Ngày 10 – Trọng Tâm Của Sự Thờ Phượng

Ngày 10 – Trọng Tâm Của Sự Thờ Phượng

 

 Hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời… và dâng chi thể mình
cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.
(Rô-ma 6:13)

Trọng tâm của sự thờ phượng là phó mình.

Phó mình là một từ không được nhiều người thích dùng lắm, hầu như trái ngược với từ thuận phục. Nó ngụ ý một sự mất mát, và không một ai muốn mình là kẻ thất bại. Phó mình gợi lên một hình ảnh không mấy dễ chịu về sự thất bại trong trận chiến, thua cuộc trong một trò chơi hoặc đầu hàng trước một đối thủ mạnh hơn. Từ này hầu như luôn được dùng trong những ngữ cảnh tiêu cực. Những tên tội phạm bị bắt phải đầu hàng những người có quyền.

Trong nền văn hóa cạnh tranh ngày nay, chúng ta được dạy là không được bỏ cuộc và chịu thua-cho nên chúng ta không nghe nói nhiều về sự đầu hàng. Nếu chiến thắng là tất cả thì đầu hàng là điều không thể hình dung được. Chúng ta thích nói về chiến chắng, thành công, vượt qua và chinh phục hơn là đầu hàng, thuận phục, vâng lời, và phó mình. Nhưng phó chính mình cho Đức Chúa Trời lại là trọng tâm của sự thờ phượng. Đó chính là đáp ứng tự nhiên trước tình yêu thương và lòng nhơn từ kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Chúng ta dâng chính mình cho Ngài, không phải vì sợ hãi hay vì nhiệm vụ, bèn là trong tình yêu thương, vì “Ngài đã yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:9-10, 19).

Sau khi dùng mười một chương đầu của sách Rô-ma để giải thích về ân điển kỳ diệu của Đức Chúa Trời cho chúng ta, Phao-lô khuyên giục chúng ta phó dâng cả cuộc đời mình cho Ngài trong sự thờ phượng: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rôma 12:1).

Sự thờ phượng thật-đem lại vui thỏa cho Đức Chúa Trời-diễn ra khi bạn dâng mình cách hoàn toàn cho Đức Chúa Trời. Hãy lưu ý từ quan trọng trong câu này: dâng.

Dâng chính bạn cho Đức Chúa Trời chính là toàn bộ bản chất của sự thờ phượng.

Hành động phó dâng cá nhân này được gọi bằng nhiều tên khác nhau: sự dâng hiến, tôn Giê-su làm Chúa, vác thập tự giá, làm chết bản ngã, đầu phục Thánh Linh. Điều quan trọng là bạn làm việc đó chứ không phải bạn gọi nó là gì. Đức Chúa Trời muốn toàn bộ cuộc đời bạn. Chín mươi lăm phần trăm cũng không đủ.

Có ba rào cản ngăn trở bạn phó dâng hoàn toàn cho Đức Chúa Trời: sự sợ hãi, lòng kiêu ngạo và sự mơ hồ. Chúng ta không nhận thức được Đức Chúa Trời yêu chúng ta nhiều ra sao, chúng ta muốn điều khiển cuộc đời mình, và chúng ta hiểu lầm ý nghĩa của sự phó dâng.

Tôi có thể tin cậy Đức Chúa Trời không? Lòng tin là điều cần yếu để phó dâng. Bạn không thể trao phó chính mình cho Đức Chúa Trời trừ khi bạn tin Ngài, nhưng bạn không thể tin Ngài chừng nào bạn biết Ngài nhiều hơn. Sự lo sợ khiến chúng ta không phó mình, nhưng tình yêu thương xua tan mọi sợ hãi. Bạn càng nhận thức được việc Đức Chúa Trời yêu thương bạn nhiều bao nhiêu, thì bạn càng dễ trao phó chính mình bấy nhiêu.

Làm sao tôi biết được Đức Chúa Trời yêu thương tôi? Ngài ban cho chúng ta nhiều bằng chứng: Chúa phán Ngài yêu thương chúng ta (Thi Thiên 145:9); bạn không bao giờ vuột khỏi tầm nhìn của Ngài (Thi Thiên 139:3); Ngài quan tâm đến từng chi tiết trong cuộc đời bạn (Ma-thi-ơ 10:30); Ngài ban cho bạn khả năng tận hưởng mọi khoái lạc (I Ti-mô-thê 6:17); Ngài có những hoạch định tốt lành cho cuộc đời bạn (Giê-rê-mi 29:11); Ngài tha thứ cho bạn (Thi Thiên 86:5); và Ngài kiên nhẫn với bạn (Thi Thiên 145:8). Rõ ràng Đức Chúa Trời yêu thương bạn nhiều hơn điều bạn có thể tưởng tượng.

Biểu hiện lớn nhất của tình yêu này chính là sự hy sinh Con Một của Đức Chúa Trời vì bạn. “Nhưng

Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng

Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Nếu bạn muốn biết bạn quan trọng như thế nào đối với Đức Chúa Trời, hãy nhìn vào Đấng Christ với hai cánh tay dang ngang trên thánh giá, và nói rằng, “Ta yêu con nhiều như thế này đây! Ta thà chết thay vì sống mà không có con.”

Đức Chúa Trời không phải là một người cai nô lệ khắt khe hay là người hay bắt nạt, dùng áp lực để buộc chúng ta phải thuận phục. Ngài cũng không cố gắng phá đổ ý chí của chúng ta, nhưng nài nỉ chúng ta đến với Ngài để chúng ta có thể tự do dâng thác chính mình cho Ngài. Đức Chúa Trời là người yêu và cũng là người giải thoát, và sự phó mình cho Ngài sẽ mang đến tự do, chứ không phải ách nô lệ. Khi chúng ta hoàn toàn phó dâng chính mình cho Đức Chúa Giê-su, chúng ta khám phá ra rằng Ngài không phải là một bạo chúa, bèn là một Cứu Chúa; không phải một ông chủ, bèn là một người anh; không phải một người độc tài, bèn là một người bạn.

Thừa nhận những giới hạn của chúng ta. Rào cản thứ hai ngăn trở chúng ta hoàn toàn phó dâng chính là sự kiêu ngạo. Chúng ta không muốn thừa nhận rằng mình chỉ là những tạo vật và không chịu trách nhiệm về mọi sự. Đó là sự cám dỗ lâu đời nhất: “(Ngươi) sẽ như Đức Chúa Trời” (Sáng-thế ký 3:5). Khao khát đó-muốn được hoàn toàn làm chủ-là nguyên nhân của rất nhiều căng thẳng trong cuộc đời chúng ta. Cuộc sống là sự đấu tranh, nhưng điều mà đa số người không nhận thấy chính là sự đấu tranh của chúng ta, giống như của Gia-cốp, thực sự là một cuộc đấu tranh với Đức Chúa Trời! Chúng ta muốn trở thành Đức Chúa Trời, và hoàn toàn không có cách nào để chúng ta chiến thắng trong trận chiến đó cả.

  1. W. Tozer đã nói, “Lý do khiến nhiều người vẫn còn lo lắng, tìm kiếm vẫn chẳng lớn lên được bao nhiêu là vì họ chưa giải quyết được chính họ. Chúng ta vẫn cố gắng ra lệnh, và ngăn trở công việc của Đức Chúa Trời bên trong chúng ta.”

Chúng ta không phải là Đức Chúa Trời và sẽ không bao giờ trở thành Đức Chúa Trời cả. Chúng ta là con người. Chính khi chúng ta cố gắng trở thành Đức Chúa Trời là lúc chúng ta kết thúc giống như Satan, kẻ cũng có cùng một ham muốn đó.

Chúng ta chấp nhận thân phận con người của mình về phương diện lý trí chứ không phải tình cảm. Khi đối diện với những giới hạn của mình, chúng ta phản ứng bằng sự cáu gắt, nóng giận và oán hờn. Chúng ta muốn trở nên cao hơn (hay thấp hơn), thông minh hơn, mạnh mẽ hơn, nhiều tài năng hơn, xinh đẹp hơn, và giàu có hơn. Chúng ta muốn có mọi sự và làm mọi sự, và chúng ta buồn khi chuyện đó không xảy ra. Rồi khi chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời ban cho người khác những điều mà chúng ta không có, chúng ta phản ứng bằng sự đố kỵ, ghen tương và tự thán.

Phó dâng có nghĩa là gì. Phó dâng cho Đức Chúa Trời không phải là sự trao dâng thụ động, theo kiểu tiền định hoặc là lời bào chữa cho sự biếng nhác. Nó không phải là chấp nhận nguyên trạng. Có thể nó có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại: hy sinh cuộc đời bạn hoặc chịu khổ để thay đổi những gì cần phải thay đổi. Đức Chúa Trời thường kêu gọi những người phó dâng chính mình đi đánh trận nhân danh Ngài. Sự phó dâng đó không dành cho những kẻ hèn nhát hay những con người khinh thường. Cũng vậy, nó không có nghĩa là từ bỏ sự suy nghĩ hữu lý. Đức Chúa Trời không hề lãng phí tâm trí mà Ngài ban cho bạn! Đức Chúa Trời không muốn những người máy phục vụ ngày.

Sự phó mình không phải là kềm chế nhân cách của bạn. Đức Chúa Trời muốn dùng nhân cách độc nhất của bạn đó. Thay vì kềm chế nhân cách, sự phó mình lại nâng cao nó. C. S. Lewis nhận xét, “Chúng ta càng để cho Đức Chúa Trời cai trị chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta càng thực sự trở nên chính mình bấy nhiêu-vì Ngài đã tạo dựng chúng ta. Ngài tạo nên mọi con người khác nhau… Chính lúc tôi trở lại với Đấng Christ, khi tôi dâng phó chính mình để mặc lấy nhân cách của Ngài, đó là lúc tôi bắt đầu có một nhân cách thật của riêng mình.”

Sự phó mình được thể hiện rõ nhất trong sự vâng phục. Bạn nói “vâng, thưa Chúa” đối với mọi điều

Ngài đòi hỏi nơi bạn. Nói “không, thưa Chúa” tức là mâu thuẫn. Bạn không thể gọi Chúa Giê-su là Chúa nếu bạn không chịu vâng phục Ngài. Sau một đêm đánh cá vô ích, Phi-e-rơ đã làm tấm gương đầu phục cho chúng ta khi Chúa Giê-su bảo ông đi ra và thử một lần nữa: “Thưa thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm không bắt được chi hết; dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy mà thả lưới” (Lu-ca 5:5). Những người phó mình vâng phục lời Đức Chúa Trời, cho dù lời đó có vẻ như vô nghĩa.

Một khía cạnh khác của đời sống trọn vẹn phó dâng chính là sự trông cậy. Áp-ra-ham làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời mà không biết việc đó dẫn ông đến đâu. An-ne đã chờ đợi thời điểm tốt nhất của Đức Chúa Trời mà không biết là khi nào. Ma-ri mong đợi một phép lạ mà không biết nó sẽ ra sao. Giô-sép tin cậy nơi mục đích của Đức Chúa Trời mà không biết tại sao những hoàn cảnh xung quanh ông lại xảy đến như vậy. Những người này đã trọn vẹn phó mình cho Đức Chúa Trời.

Bạn biết mình có phó dâng cho Đức Chúa Trời hay không khi bạn nương dựa nơi Ngài để làm mọi việc thay vì cố gắng sử dụng những người khác, dồn ép lịch làm việc, và điều khiển tình huống. Bạn đứng sang một bên và để Đức Chúa Trời hành động. Bạn không cần phải lúc nào cũng “phụ trách.” Kinh Thánh chép, “Hãy phó dâng chính mình ngươi cho Chúa và nhẫn nại chờ đợi Ngài” (Thi Thiên 37:7a bản GW-ND). Thay vì cố gắng nhiều hơn, bạn trông cậy nhiều hơn. Bạn cũng biết được là mình đã phó dâng khi bạn không phản ứng trước lời chỉ trích và vội vã tự bảo vệ mình. Những tấm lòng đã phó dâng tỏ ra hiệu quả nhất trong các mối quan hệ. Bạn không đẩy người khác ra, bạn không đòi hỏi quyền của mình, và cũng không tự phục vụ khi bạn phó mình.

Lĩnh vực khó khăn nhất để phó dâng đối với nhiều người chính là tiền bạc của họ. Nhiều người nghĩ rằng, “Tôi muốn sống cho Đức Chúa Trời nhưng tôi cũng muốn kiếm đủ tiền để sống thoải mái và một ngày nào đó sẽ về hưu.” Về hưu không phải là mục đích của một đời sống đã phó dâng. Bởi vì nó cạnh tranh với Đức Chúa Trời để lôi kéo sự chú ý của cuộc đời chúng ta, nên Chúa Giê-su đã phán, “Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa” (Ma-thi-ơ 6:24) và “vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21).

Tấm gương phó dâng cao cả nhất chính là Chúa Giê-su. Đêm trước khi Ngài chịu đóng đinh, Chúa Giêsu đã phó chính mình cho kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài cầu nguyện, “A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn” (Mác 14:36).

Chúa Giê-su không cầu nguyện như vầy, “Lạy Cha, nếu Cha có thể cất nỗi đau này đi, xin Cha hãy làm như vậy.” Ngài đã khẳng định rằng Đức Chúa Trời có thể làm bất cứ điều gì! Thay vào đó, Ngài cầu nguyện, “Cha ơi, nếu điều tốt nhất mà Cha muốn là cất chén này đi, thì xin Cha hãy làm như vậy. Nhưng nếu nó làm thành mục đích của Cha, thì đó cũng là điều con muốn.”

Người phó mình cách chân thật nói rằng, “Cha ơi, nếu nan đề này, nỗi đau này, căn bệnh này hay hoàn cảnh này là cần thiết để làm thành mục đích của Ngài và đem lại sự vinh hiển trong đời sống con hay đời sống người khác, xin Cha đừng cất nó đi.” Mức độ trưởng thành này không dễ gì đạt được. Trong trường hợp của Chúa Giê-su, Ngài đau đớn thật nhiều về kế hoạch của Đức Chúa Trời đến nỗi mồ hôi Ngài đổ ra như máu. Phó mình là một việc khó khăn. Trong trường hợp của chúng ta, đó là một cuộc chiến mãnh liệt chống lại bản chất tự cho mình là trung tâm của chúng ta.

Phước hạnh của sự phó mình. Kinh Thánh nói rất rõ ràng về ích lợi bạn nhận được khi trọn dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời. Thứ nhất, bạn sẽ được sự bình an: “Hãy thôi tranh cãi với Đức Chúa Trời! Nếu ông đồng ý với Ngài, ông sẽ có sự bình an và mọi sự sẽ tốt đẹp cho ông” (Gióp 22:21 bản

NLT-ND). Thứ hai, bạn được sự tự do: Hãy dâng phó chính mình anh em cho đường lối của Đức Chúa Trời thì sự tự do sẽ đến… những mạng lệnh Ngài khiến anh sống trong sự tự do của Ngài!” (Rôma 6:17 bản Msg-ND). Thứ ba, bạn kinh nghiệm quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống bạn. Những cám dỗ liên tục và những nan đề rối rắm có thể được giải quyết nhanh gọn khi chúng ta dâng lên cho Đấng Christ.

Lúc Giô-suê sắp bước vào cuộc chiến lớn nhất trong cuộc đời ông,[i] ông đã gặp Đức Chúa Trời, xấp mình xuống thờ phượng Ngài và thuận phục những kế hoạch của Ngài. Sự thuận phục đó đã dẫn ông đến chiến thắng tuyệt vời tại thành Giê-ri-cô. Đây là một nghịch lý: Chiến thắng đến bởi sự thuận phục. Thuận phục không làm bạn yếu đi; nó làm cho bạn mạnh thêm. Khi đã thuận phục Đức Chúa Trời rồi, bạn không còn phải sợ hãi hay phải đầu phục bất cứ điều gì khác. William Booth, người sáng lập hội Cứu Thế Quân, đã nói, “Sự to lớn của quyền lực con người chính là thước đo sự thuận phục của người đó.”

Những người thuận phục là người Đức Chúa Trời sử dụng. Đức Chúa Trời lựa chọn Ma-ri để làm mẹ của Chúa Giê-su, không phải vì bà có tài năng, giàu có hay xinh đẹp, bèn là vì bà hoàn toàn thuận phục Ngài. Khi thiên sứ đến giải thích về kế hoạch phi thường của Đức Chúa Trời, bà bình tĩnh đáp lời, “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:38). Không có gì mạnh mẽ hơn một đời sống thuận phục trong bàn tay Đức Chúa Trời. “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:7a).

Cách sống tốt nhất. Mọi người cuối cùng sẽ phó mình cho một điều gì đó hoặc một ai đó. Nếu không phải là Đức Chúa Trời, thì bạn sẽ phó mình cho những quan điểm hoặc mong muốn của người khác, cho tiền bạc, cho hận thù, cho sợ hãi hoặc cho chính sự kiêu ngạo, dục vọng hoặc bản ngã của bạn. Bạn được tạo dựng để thờ phượng Đức Chúa Trời-và nếu bạn không thờ phượng Ngài, bạn sẽ tạo ra những thứ khác (thần tượng) để trao phó đời sống mình vào đó. Bạn được tự do lựa chọn phó mình cho điều gì, nhưng bạn không thể thoát khỏi những hậu quả của lựa chọn đó. E. Stanley Jones đã nói, “Nếu bạn không thuận phục Đấng Christ, bạn thuận phục hỗn mang.”

Thuận phục không phải là cách sống tốt nhất; nó là cách sống duy nhất. Không một cách nào khác. Tất cả những lối sống khác đều dẫn đến chán nản, thất vọng và tự hủy diệt. Kinh Thánh gọi sự thuận phục của bạn là “sự thờ phượng phải lẽ” (Rô-ma 12:1). Một bản dịch khác gọi đó là “cách có ý nghĩa nhất để phục vụ Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1 bản CEV-ND). Phó dâng đời sống bạn không phải là một việc bốc đồng, dại dột, tình cảm bèn là một hành động có lý trí, khôn ngoan, là điều có ý nghĩa nhất, có trách nhiệm nhất mà bạn có thể làm cho cuộc đời mình. Đây là điều Phao-lô nói, “Cho nên chúng ta… làm hết sức để được đẹp lòng Chúa” (II Cô-rinh-tô 5:9). Những giờ phút khôn ngoan nhất của cuộc đời bạn chính là lúc bạn nói vâng với Chúa.

Có khi phải mất nhiều năm ròng, nhưng cuối cùng bạn sẽ khám phá ra rằng điều lớn nhất ngăn trở phước hạnh của Đức Chúa Trời trong cuộc đời bạn không phải là những người khác, bèn là chính bạn-ý chí tự chủ, sự kiêu ngạo cứng lòng và tham vọng cá nhân của bạn. Bạn không thể làm thành những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời mình nếu bạn cứ tập chú vào những kế hoạch của riêng mình.

Nếu Đức Chúa Trời muốn làm công việc sâu sắc nhất của Ngài trong lòng bạn, thì đó sẽ là việc này. Vậy nên, hãy dâng hết thảy cho Đức Chúa Trời: những tiếc nuối trong quá khứ, những nan đề hiện tại, những tham vọng tương lai, những nỗi sợ hãi, những ước mơ, những yếu đuối, những thói quen, những đau khổ và những bứt rứt của bạn. Hãy mời Đấng Christ ngồi vào ghế tài xế của cuộc đời bạn và rút tay bạn ra khỏi tay lái. Đừng lo sợ; không có điều gì ở dưới sự kiểm soát của Ngài lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Khi được Đấng Christ làm Chủ, bạn có thể đối đầu với bất cứ việc gì. Bạn sẽ có thể nói như Phao-lô, “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

Giây phút Phao-lô thuận phục Chúa chính là lúc ông đang trên đường sang Đa-mách, và bị hạ gục bởi ánh sáng chói lòa. Đối với những người khác,Đức Chúa Trời thu hút sự chú ý của chúng ta bằng những phương pháp ít mạnh mẽ hơn. Dù thế nào, sự thuận phục không phải là một việc làm một lần đủ cả. Phao-lô nói, “Tôi chết hằng ngày” (I Cô-rinh-tô 15:31). Có một giây phút thuận phục và có cả việc tập rèn thuận phục nữa, tức là một thời điểm nhất định và cả cuộc đời. Vấn đề hay gặp với một sinh tế còn sống là nó có thể bò khỏi bàn thờ, cho nên có thể lắm bạn cần phải thuận phục năm mươi lần một ngày. Bạn cần phải biến nó thành thói quen hằng ngày. Chúa Giê-su phán, “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta” (Lu-ca 9:23).

Tôi muốn cảnh báo bạn việc này: Khi bạn quyết định sống một đời trọn vẹn thuận phục, quyết định đó sẽ gặp thử thách. Đôi khi nó có nghĩa là bạn phải thực hiện những nhiệm vụ phiền phức, nhỏ nhặt, đắt giá hay dường như bất khả thi. Nó thường có nghĩa là bạn phải làm trái lại điều mà bạn thích.

Một trong những nhà lãnh đạo Cơ-đốc vĩ đại của thế kỷ hai mươi là Bill Bright, người sáng lập hội

Campus Crusade for Christ. Thông qua nhân sự ở khắp nơi trên thế giới, quyển truyền đạo đơn Bốn Định Luật Thuộc Linh và phim Jesus (đã có hơn một tỉ người xem), hơn 150 triệu người đã tin nhận Đấng Christ và sẽ sống đời đời ở thiên đàng.

Tôi có lần hỏi Bill, “Tại sao Đức Chúa Trời sử dụng và ban phước cho cuộc đời của ông nhiều như vậy?” Ông nói, “Khi còn trẻ, tôi có một giao ước với Đức Chúa Trời. Tôi đã viết nó ra giấy và ký tên ở dưới. Tôi viết như vầy, ‘Từ nay trở đi, con sẽ là nô lệ của Đức Chúa Giê-su Christ.”

Bạn có bao giờ ký một giao ước như thế với Đức Chúa Trời chưa? Hay là bạn vẫn còn đang tranh cãi với Chúa về việc Ngài có quyền làm bất cứ điều gì trên đời sống bạn theo ý Ngài muốn? Bây giờ là lúc bạn cần phải phó mình cho ân điển, tình yêu thương và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

 

Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi

Vấn Đề Suy Nghĩ: Trọng tâm của sự thờ phượng là phó mình.

Câu Gốc: “Hãy… dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.” Rô-ma 6:13b

Câu Hỏi Suy Gẫm: Lĩnh vực nào trong cuộc đời tôi còn chưa giao thác cho Chúa? Tôi lo sợ điều gì?

Bình luận đã bị đóng.
RSS
Follow by Email