Ngày 13 – Sự Thờ Phượng Làm Đẹp Lòng Đức Chúa Trời

Ngày 13 – Sự Thờ Phượng Làm Đẹp Lòng Đức Chúa Trời

 

Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức
mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.
(Mác 12:30)

Đức Chúa Trời muốn toàn bộ con người bạn.

Ngài không muốn chỉ một phần cuộc đời bạn. Ngài đòi hỏi hết tấm lòng, hết linh hồn, hết tâm trí, và hết sức lực của bạn. Đức Chúa Trời không muốn sự tận hiến nửa vời, sự vâng phục một phần, và phần còn thừa về thời gian cũng như tiền bạc của bạn. Ngài khao khát sự tận hiến trọn vẹn, chứ không phải một chút ít nào đó trong cuộc đời bạn.

Một người đàn bà Sa-ma-ri đã có lần tranh luận với Chúa Giê-su về thời gian, địa điểm và phong cách tốt nhất cho sự thờ phượng. Chúa Giê-su đáp lại rằng những vấn đề bên ngoài đó không cần thiết. Nơi bạn thờ phượng không quan trọng bằng tại sao bạn thờ phượng và bạn dâng phó chính mình bao nhiêu cho Đức Chúa Trời trong khi thờ phượng. Có cách thờ phượng đúng và cũng có cách thờ phượng sai. Kinh Thánh chép, “Chúng ta hãy biết ơn và thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài đẹp lòng” (Hêbơ-rơ 12:28a bản TEV-ND).

Loại thờ phượng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời có bốn đặc tính:

Đức Chúa Trời đẹp lòng khi chúng ta thờ phượng cách chính xác. Người ta thường nói, “Tôi thích nghĩ về Đức Chúa Trời như là…” và rồi họ chia sẻ ý tưởng của mình về loại Chúa mà họ muốn thờ phượng. Nhưng chúng ta không thể tạo ra một hình ảnh đúng đắn, dễ chịu hay mang tính chất chính trị về Đức Chúa Trời rồi thờ phượng nó. Đó là thờ hình tượng.

Sự thờ phượng phải đặt trên lẽ thật của Kinh Thánh, chứ không phải những quan điểm của bạn về Đức

Chúa Trời. Chúa Giê-su phán với người đàn bà Sa-ma-ri, “Những kẻ thờ phượng thật sẽ thờ phượng

Cha bằng tâm thần và lẽ thật, vì họ là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm” (Giăng 4:23 bản NIV-ND). “Thờ phượng bằng lẽ thật” có nghĩa là thờ phượng Đức Chúa Trời theo đúng như điều Kinh Thánh bày tỏ về Ngài.

Đức Chúa Trời đẹp lòng khi chúng ta thờ phượng cách chân thật. Khi Chúa Giê-su phán bạn phải “thờ phượng bằng tâm thần” thì không phải Ngài ngụ ý Thánh Linh, mà Ngài muốn nói đến tâm linh của bạn! Được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, bạn là một tâm linh cư ngụ trong một thân thể, và Đức Chúa Trời đã thiết kế tâm linh của bạn sao cho có thể tương giao với Ngài. Thờ phượng tức là tâm linh của chúng ta đáp lại Tâm Linh của Đức Chúa Trời.

Khi Chúa Giê-su phán, “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn… kính mến Chúa” Ngài muốn nói rằng sự thờ phượng phải chân thật và xuất phát từ tấm lòng. Đó không chỉ là vấn đề nói những lời đúng đắn; mà bạn còn phải đặt cả tấm lòng của mình vào đó khi nói nữa. Lời ngợi khen vô tâm hoàn toàn không phải là lời ngợi khen! Đó là sự sỉ nhục Đức Chúa Trời.

Khi chúng ta thờ phượng, Đức Chúa Trời không chỉ nghe những lời chúng ta nói, Ngài còn nhìn vào trong tấm lòng của chúng ta. Kinh Thánh chép, “Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (I Sa-mu-ên 16:7b).

Vì sự thờ phượng bao hàm cả việc vui mừng trong Chúa, nên nó cũng liên quan đến những tình cảm của bạn. Đức Chúa Trời ban cho bạn nhiều tình cảm để bạn có thể thờ phượng Ngài bằng cảm xúc sâu xa-nhưng những tình cảm đó phải chân thật, chứ không được giả tạo. Đức Chúa Trời ghét sự giả hình. Ngài không muốn sự khoe mình, qua quít hay giả tạo trong thờ phượng. Ngài muốn tình yêu chân thật, thực sự của bạn. Chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời cách không hoàn hảo, nhưng chúng ta không thể thờ phượng Ngài cách không chân thật.

Tất nhiên, chỉ có sự chân thật thôi thì chưa đủ; bạn có thể chân thật mà lại sai. Đó là lý do tại sao cần phải có cả tâm thần và lẽ thật. Thờ phượng phải vừa chính xác vừa chân thật. Sự thờ phượng làm đẹp lòng Chúa mang tính chất tình cảm sâu sắc và tín lý vững vàng. Chúng ta dùng cả con tim lẫn khối óc của mình. Ngày nay nhiều người cho rằng được cảm động về phương diện tình cảm bởi âm nhạc là được Thánh Linh thăm viếng, nhưng hai việc này khác nhau. Sự thờ phượng thật diễn ra khi tâm linh của bạn đáp lại Đức Chúa Trời, chứ không phải một giai điệu âm nhạc nào đó. Trên thực tế, một số bài hát dễ cảm, nội quan lại ngăn trở sự thờ phượng vì nó lôi kéo sự chú ý ra khỏi Đức Chúa Trời mà hướng đến những cảm xúc của chúng ta. Điều lớn nhất khiến bạn phân tâm khi thờ phượng chính là bản thân bạn-những sở thích và những lo lắng của bạn liên quan đến điều người khác nghĩ về bạn.

Các Cơ-đốc nhân thường có nhiều cách khác nhau, thỏa đáng và chân thật, để bày tỏ lòng ngợi khen Đức Chúa Trời, nhưng những tranh cãi thường chỉ liên quan đến nhân cách và sự khác biệt về bối cảnh. Có rất nhiều hình thức ngợi khen được đề cập đến trong Kinh Thánh, trong số đó có xưng tội, ca hát, kêu gào, đứng tôn vinh, quỳ gối, nhảy múa, tạo ra những âm thanh hoan hỉ, làm chứng, chơi các loại nhạc cụ âm nhạc, và giơ tay lên.[i] Phong cách thờ phượng tốt nhất là phong cách bày tỏ chân thật nhất về tình yêu của bạn dành cho Đức Chúa Trời, dựa trên nền tảng và nhân cách mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn.

Bạn tôi, Gary Thomas, lưu ý rằng nhiều Cơ-đốc nhân dường như bị mắc kẹt trong một lối mòn thờ phượng, một lệ thường không đem lại sự thỏa lòng, thay vì có một tình bạn sống động với Đức Chúa Trời, vì họ ép buộc mình dùng những phương pháp dưỡng linh hoặc những phong cách thờ phượng không phù hợp với cốt cách Đức Chúa Trời đã dựng nên trong họ.

Gary tự hỏi, Nếu Đức Chúa Trời đã cố tình tạo dựng tất cả chúng ta khác nhau hết thảy, tại sao lại cứ muốn mọi người yêu Chúa theo cùng một cách? Khi đọc các tác phẩm Cơ-đốc kinh điển và phỏng vấn những Cơ-đốc nhân trưởng thành, Gary khám phá ra rằng các Cơ-đốc nhân đã dùng nhiều cách khác nhau trong 2,000 năm qua để tận hưởng sự thân mật với Đức Chúa Trời: ở ngoài trời, nghiên cứu, ca hát, đọc sách, nhảy múa, sáng tác nghệ thuật, phục vụ những người khác, ở riêng một mình, vui hưởng mối thông công, và tham gia vào hàng tá các hoạt động khác.

Trong cuốn sách của mình, Sacred Pathways, Gary xác định chín trong số những cách lôi kéo con người đến gần Đức Chúa Trời: Những người yêu thiên nhiên thích bày tỏ tình yêu Chúa ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên. Những người thiên về tình cảm yêu Chúa qua các giác quan của họ và thích những buổi thờ phượng đẹp đẽ trong đó họ có thể nhìn, nếm, ngửi, và rờ chạm, chứ không chỉ dùng tai. Những người có khuynh hướng truyền thống lại thích đến gần Đức Chúa Trời bằng các nghi lễ, hình thức, những biểu tượng và một cơ cấu không đổi. Những người có khuynh hướng khổ hạnh thì thích yêu Chúa trong sự cô độc, và đơn giản. Những người năng động lại yêu Chúa khi đối đầu với ma quỷ, chống lại sự bất công và tích cực để biến thế giới thành một nơi tốt hơn. Người có khuynh hướng quan tâm lại yêu Chúa bằng cách yêu thương người khác và đáp ứng những nhu cầu của họ. Những người hăng hái lại yêu Chúa bằng sự ca tụng, tán dương. Những người trầm tư thì lại yêu Chúa bằng sự ngưỡng mộ. Những người trí thức thì lại yêu Chúa bằng việc nghiên cứu.[ii]

Không có một hình thức thờ phượng nào là “thích hợp cho mọi người” cả. Có một điều chắc chắn, bạn không thể dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời khi cố trở thành một người khác, người mà Ngài không hề hoạch định nên trong bạn. Đức Chúa Trời muốn bạn là chính bạn. “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy” (Giăng 4:23).

Đức Chúa Trời đẹp lòng khi chúng ta thờ phượng cách có suy nghĩ. Mạng lệnh của Chúa Giê-su “yêu Chúa với cả tâm trí” được lặp lại bốn lần trong Tân Ước. Đức Chúa Trời không đẹp lòng với việc hát thánh ca theo thói quen, cầu nguyện cách chiếu lệ, hoặc những lời cảm thán vô tâm như “Ngợi khen Chúa,” vì chúng ta không nghĩ ra được điều gì khác để nói lúc đó. Nếu thờ phượng mà không đặt suy nghĩ hay tâm trí vào đó, thì thật là vô nghĩa. Bạn cần phải đặt tâm trí mình vào đó.

Chúa Giê-su gọi sự thờ phượng không có suy nghĩ là “những lời lặp vô ích.”[iii] Thậm chí những khái niệm của Kinh Thánh cũng có thể trở thành lời nói sáo rỗng do dùng quá nhiều và chúng ta không còn suy nghĩ về ý nghĩa của nó nữa. Thật dễ hơn nhiều khi dâng những lời sáo rỗng trong lúc thờ phượng thay vì cố gắng tôn vinh Chúa bằng những từ mới và cách mới. Đây là lý do tại sao tôi khích lệ bạn đọc Kinh Thánh từ nhiều bản dịch và diễn ý khác nhau. Nó sẽ mở rộng vốn từ để bạn thờ phượng.

Cố gắng ngợi khen Chúa mà không dùng những từ như ngợi khen, ha-lê-lu-gia, tạ ơn hay a-men. Thay vì nói, “Chúng con muốn ngợi khen Ngài,” hãy liệt kê một danh sách những từ đồng nghĩa và dùng những từ mới như ngưỡng mộ, tôn kính, coi trọng, kính trọng, tôn ca cảm kích.

Cũng hãy cụ thể. Nếu một người nào đó đến với bạn và cứ lặp lại, “Tôi khen anh!” mười lần, có lẽ bạn sẽ nghĩ, Vì cái gì? Bạn thà nhận hai lời khen cụ thể hơn là hai chục lời khen chung chung. Chúa cũng vậy.

Một gợi ý khác đó là liệt kê các danh xưng của Đức Chúa Trời và tập trung vào đó. Các danh xưng của Đức Chúa Trời không phải là điều tùy tiện; chúng cho chúng ta biết những khía cạnh khác nhau của bản chất Ngài. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thường bày tỏ chính Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên bằng các danh xưng mới, và Ngài cũng ra lệnh cho chúng ta ngợi khen danh Ngài.

Đức Chúa Trời cũng muốn sự thờ phượng chung của chúng ta có trật tự. Phao-lô dành cả một chương trong I Cô-rinh-tô 14 để nói về điều này, “Nhưng mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự” (I Cô-rinh-tô 14:40).

Liên hệ đến điều này, Đức Chúa Trời cũng muốn những buổi thờ phượng của chúng ta dễ hiểu đối với những người chưa tin khi họ có mặt. Phao-lô nói, “Giả sử có người lạ trong buổi thờ phượng của anh em, lúc anh em đang ngợi khen Đức Chúa Trời bằng tâm thần. Nếu họ không hiểu việc anh em đang làm, thì làm sao mà họ nói ‘A-men’ được? Anh em có thể thờ phượng Đức Chúa Trời một cách kỳ diệu, nhưng chẳng có ai khác được lợi từ việc đó” (I Cô-rinh-tô 14:16-17 bản CEV-ND). Nhạy cảm đối với những người chưa tin có mặt trong các chương trình thờ phượng là một mạng lệnh của Kinh Thánh. Bỏ qua mạng lệnh này vừa không vâng phục, vừa thiếu yêu thương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy đọc chương “Thờ Phượng Có Thể Là Một Lời Chứng” trong cuốn Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích.

Đức Chúa Trời đẹp lòng khi sự thờ phượng của chúng ta thực tiễn. Kinh Thánh chép, “…Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1). Tại sao Đức Chúa Trời lại muốn thân thể của bạn? Tại sao Ngài không nói “Hãy dâng tâm thần của ngươi?” Vì nếu không có thân thể, bạn không thể làm được bất cứ việc gì trên hành tinh này. Trong cõi đời đời, bạn sẽ có một thân thể mới, tốt hơn, cao cấp hơn, nhưng khi bạn còn đang ở trên đất này, Chúa phán, “Hãy dâng cho ta điều mà ngươi có!” Ngài rất thực tế trong sự thờ phượng.

Bạn từng nghe nhiều người nói, “Tôi không thể có mặt trong buổi nhóm tối nay, nhưng tâm linh tôi sẽ ở cùng anh em luôn.” Bạn có biết điều đó có ý nghĩa gì không? Chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó hoàn toàn vô giá trị! Hễ bạn còn trên đất này, thì tâm linh của bạn chỉ có thể ở nơi nào mà thân thể bạn đang ở mà thôi! Nếu thân thể bạn không có ở đó, thì chính bạn cũng không!

Trong sự thờ phượng, chúng ta phải “Dâng thân thể mình làm của lễ sống.” Chúng ta thường liên hệ khái niệm “của lễ” với một cái gì đó chết rồi, nhưng Đức Chúa Trời muốn bạn làm một của lễ sống. Ngài muốn bạn sống cho Ngài! Tuy nhiên, vấn đề ở đây là con sinh tế còn sống thì có thể bò khỏi bàn thờ, và chúng ta thường làm như vậy. Chúng ta thường hát “Tinh binh Giê-su tiến lên” vào Chúa Nhật và rồi “chuồn mất” vào Thứ Hai.

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đẹp lòng nhiều của lễ thờ phượng vì chúng báo trước về sự hy sinh của Chúa Giê-su cho chúng ta trên thập giá. Bây giờ thì Đức Chúa Trời đẹp lòng với nhiều của lễ khác nhau trong sự thờ phượng: tạ ơn, ngợi khen, hạ mình, ăn năn, dâng hiến tiền bạc, cầu nguyện, phục vụ những người khác và chia sẻ với những người có cần.[iv]

Sự thờ phượng thật có cái giá của nó. Đa-vít biết điều đó và nói, “Ta không muốn dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi” (II Sa-mu-ên 24:24). Điều mà chúng ta phải trả cho sự thờ phượng đó là sự hướng ngã của mình. Bạn không thể vừa tôn cao Đức Chúa Trời vừa tôn cao chính mình. Bạn không thờ phượng để cho người khác nhìn thấy. Bạn phải dời sự chú ý ra khỏi chính mình.

Khi Chúa phán, “Hãy… hết sức mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi,” Ngài đang chỉ ra rằng sự thờ phượng đòi hỏi cả nỗ lực và sức lực. Không phải lúc nào cũng thuận tiện và thoải mái, và đôi lúc thờ phượng chỉ là một hành động của ý chí-một của lễ sẵn lòng. Sự thờ phượng thụ động là phép nghịch hợp (oxymoron).

Khi bạn ngợi khen Đức Chúa Trời ngay cả lúc bạn cảm thấy không thích làm việc đó, bạn ra khỏi giường để thờ phượng khi bạn mệt mỏi, hoặc bạn giúp đỡ những người khác khi đã gần kiệt sức, bạn đang dâng một của lễ thờ phượng cho Đức Chúa Trời. Điều đó làm đẹp lòng Ngài.

Matt Redman, một người hướng dẫn thờ phượng ở Anh, có kể về cách mục sư của ông dạy Hội Thánh về ý nghĩa thật của sự thờ phượng. Để chứng tỏ rằng thờ phượng không chỉ là âm nhạc, ông không cho phép hát trong các buổi thờ phượng một khoảng thời gian dài, lúc đó họ học thờ phượng theo những cách khác. Đến cuối thời gian đó, Matt đã viết bài hát cổ điển:

“Trái Tim Của Sự Thờ Phượng.”

Khi tiếng nhạc tắt dần, và mọi sự qua đi, Con đến, khao khát mang lại một điều gì đó Làm đẹp lòng Ngài.

Con sẽ không chỉ mang đến cho Ngài một bài hát, Vì chính nó không phải là điều Ngài đòi hỏi. Ngài tìm kiếm tận sâu thẳm bên trong Hơn là nhìn vẻ ngoài của mọi sự. Ngài đang nhìn vào lòng con.[v]

Trọng tâm của vấn đề chính là vấn đề tấm lòng.

 

Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi

Vấn Đề Suy Nghĩ: Đức Chúa Trời muốn toàn bộ con người tôi.

Câu Gốc: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” Mác 12:30

Câu Hỏi Suy Gẫm: Điều gì làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn ngay lúc này đây-sự thờ phượng chung hay sự thờ phượng riêng của tôi? Tôi sẽ làm gì?

Bình luận đã bị đóng.
RSS
Follow by Email