Ngày 34 – Suy Nghĩ Như Một Tôi Tớ
Kẻ tôi tớ Ca-lép ta không đồng lòng cùng chúng nó, theo ta một cách trung tín.
(Dân-số ký 14:24)
Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có.
(Phi-líp 2:5)
Phục vụ khởi sự trong tâm trí bạn.
Để làm một người đầy tớ đòi hỏi phải thay đổi tâm trí, thay đổi thái độ của bạn. Đức Chúa Trời quan tâm đến lý do tại sao chúng ta làm một việc gì đó hơn là việc chúng ta làm. Thái độ quan trọng hơn thành công. Vua A-ma-xia đánh mất ơn Chúa vì “người làm điều thiện tại trước mặt Đức Giê-hô-va, song lòng không được trọn lành” (II Sử-ký 25:2). Những tôi tớ thực thụ phục vụ Chúa với năm thái độ.
Các tôi tớ nghĩ đến những người khác nhiều hơn nghĩ về mình. Đây là sự khiêm nhường thật: Không suy nghĩ ít hơn về chính mình, bèn là suy nghĩ ít hơn về cái tôi của chúng ta. Họ tự quên mình. Phao-lô nói, “Hãy quên chính mình anh em đi để giúp đỡ người khác” (Phi-líp 2:4 bản Msg-ND). Điều này có nghĩa là quên mình trong khi phục vụ những người khác. Khi chúng ta ngừng tập trung vào những nhu cầu của riêng mình, chúng ta bắt đầu chú ý đến những nhu cầu xung quanh.
Chúa Giê-su “đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ” (Phi-líp 2:7). Lần cuối cùng bạn tự bỏ mình đi vì lợi ích của người khác là khi nào? Chỉ khi nào chúng ta quên mình đi và làm việc thì những việc đó mới đáng nhớ.
Thật không may là phần nhiều sự phục vụ của chúng ta thường là phục vụ bản thân. Chúng ta phục vụ để những người khác yêu thích chúng ta, để được tôn trọng hoặc để đạt được những mục tiêu riêng. Đó là mánh khóe chứ không phải chức vụ. Trọn cả thời gian chúng ta suy nghĩ về chính mình, rằng mình đáng kính và tuyệt vời ra sao. Một số người thử dùng sự phục vụ như một công cụ để trả giá với Đức Chúa Trời: “Con sẽ làm việc này cho Chúa, nếu Ngài làm việc kia cho con.” Những người đầy tớ thật không sử dụng Chúa để thực hiện mục đích của mình. Họ để cho Chúa dùng họ theo mục đích của Ngài.
Phẩm chất tự quên mình, giống như lòng trung tín, là điều cực kỳ hiếm. Trong tất cả mọi người Phao-lô biết, Ti-mô-thê là tấm gương duy nhất mà ông có thể nhắc đến.[i] Suy nghĩ như một tôi tớ rất khó vì nó thách thức nan đề căn bản của cuộc đời tôi: Tôi, về bản chất, ích kỷ. Tôi nghĩ đến mình nhiều nhất. Đó là lý do tại sao khiêm nhường là cuộc chiến kéo dài mỗi ngày, một bài học mà tôi phải học đi học lại mãi. Cơ hội phục vụ đến với tôi rất nhiều lần trong ngày, và tôi được quyền lựa chọn giữa việc đáp ứng những nhu cầu của mình và nhu cầu của người khác. Sự tự bỏ mình đi là cốt lõi của tinh thần hầu việc.
Chúng ta có thể đo lường tấm lòng tôi tớ của mình qua cách chúng ta phản ứng với những người đối đãi với chúng ta như các tôi tớ. Bạn phản ứng như thế nào khi bị bỏ rơi, sai khiến hoặc xem thường?
Kinh Thánh chép, “Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ” (Ma-thi-ơ 5:41).
Người đầy tớ suy nghĩ như một quản gia chứ không phải một ông chủ. Những người đầy tớ nhớ rằng Đức Chúa Trời sở hữu tất cả. Trong Kinh Thánh, quản gia là người tôi tớ được phó tác quản lý tài sản. Giô-sép thuộc loại đầy tớ này khi ông bị cầm tù tại Ai Cập. Phô-ti-pha giao phó cả nhà ông cho Giôsép. Sau đó người cai ngục giao cho Giô-sép nhà tù của ông. Cuối cùng, Pha-ra-ôn giao cho Giô-sép cả vương quốc của mình. Tinh thần hầu việc và quản gia đi đôi với nhau,[ii] vì Đức Chúa Trời mong muốn rằng Ngài có thể tin cậy chúng ta trong cả hai lĩnh vực. Kinh Thánh chép, “Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành” (I Cô-rinh-tô 4:2). Bạn đang quản lý những tài nguyên Chúa giao phó cho bạn như thế nào?
Để trở thành một tôi tớ thật sự, bạn sẽ phải giải quyết vấn đề tiền bạc trong đời sống của mình. Chúa
Giê-su phán, “Không có đầy tớ nào làm tôi hai chủ được… Các ngươi không có thể đã làm tôi Đức
Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn nữa” (Lu-ca 16:13). Ngài không nói, “Các ngươi đừng nên,” nhưng Ngài nói, “Các ngươi không thể.” Điều này bất khả thi. Sống phục vụ và sống vì tiền là hai mục tiêu loại trừ lẫn nhau. Bạn sẽ chọn cái nào? Nếu bạn là một đầy tớ của Đức Chúa Trời, bạn không thể làm thêm ngoài giờ cho riêng mình được. Toàn bộ thời gian của bạn thuộc về Đức Chúa Trời. Ngài đòi hỏi lòng trung thành trọn vẹn, chứ không phải sự trung tín bán thời gian.
Tiền bạc rất có khả năng thay thế Đức Chúa Trời trong cuộc đời bạn. Nhiều người đi chệch hướng khỏi sự phục vụ vì chính tác động của chủ nghĩa vật chất. Họ nói, “Khi đạt được các mục tiêu tài chánh của mình rồi, tôi sẽ phục vụ Chúa.” Đó là một quyết định rồ dại, và họ sẽ phải hối tiếc cả cõi đời đời. Khi Chúa Giê-su là Chủ, tiền bạc sẽ phục vụ bạn, nhưng nếu tiền bạc là chủ, bạn sẽ trở thành nô lệ của nó. Sự giàu có hẳn nhiên không phải là một tội, nhưng không dùng nó cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời thì lại là tội. Những tôi tớ của Đức Chúa Trời luôn quan tâm đến chức vụ nhiều hơn là tiền bạc.
Kinh Thánh nói rất rõ ràng: Đức Chúa Trời sử dụng tiền bạc để thử thách lòng trung tín của người tôi tớ. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su nói nhiều đến tiền bạn hơn là cả thiên đàng lẫn địa ngục. Ngài phán, “Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi?” (Lu-ca 16:11). Cách bạn quản lý tiền bạn ảnh hưởng đến những phước hạnh Chúa ban trên đời sống bạn.
Trong chương 31 tôi đã đề cập đến hai loại người: Những Người Xây Dựng Vương Quốc và Những Người Làm Giàu. Cả hai đều được ơn để lo chuyện làm ăn, thỏa thuận, mua bán và kiếm lợi nhận.
Những Người Làm Giàu tiếp tục tích lũy của cải cho họ bất luận họ kiếm được bao nhiêu, nhưng Những Người Xây Dựng Vương Quốc lại thay đổi luật chơi. Họ vẫn tiếp tục kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng kiếm được để rồi ban phát ra. Họ dùng của cải của mình để gây quỹ cho Hội Thánh và các chiến dịch truyền giáo thế giới.
Tại Hội Thánh Saddleback, chúng tôi có một nhóm những người CEO và các chủ doanh nghiệp, họ hết sức kiếm tiền và dâng lại cho Hội Thánh để xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời. Tôi khích lệ bạn nói với mục sư của mình và thành lập một nhóm Những Người Xây Dựng Vương Quốc trong Hội Thánh của bạn. Hãy xem thêm phụ lục 2.
Những người đầy tớ suy nghĩ về công việc của họ chứ không phải việc mà người khác đang làm. Họ không so sánh, phê phán hay cạnh tranh với những tôi tớ khác trong chức vụ. Họ hết sức bận rộn làm công việc mà Chúa giao cho họ.
Sự cạnh tranh giữa các tôi tớ của Đức Chúa Trời là điều phi lý: Tất cả chúng ta đều ở cùng một đội; mục tiêu của chúng ta là làm vui lòng Chúa chứ không phải chúng ta; chúng ta được giao các công việc khác nhau; và tất cả chúng ta đều được định hình cách độc nhất vô nhị. Phao-lô nói, “Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau” (Ga-la-ti 5:26).
Không có chỗ cho sự ghen tương nhỏ nhặt giữa các tôi tớ. Khi bạn bận rộn phục vụ, bạn không có thời gian để chỉ trích. Bất cứ khoảng thời gian nào bạn dùng để chỉ trích những người khác thì đều có thể dùng để phục vụ. Khi Ma-thê phàn nàn với Chúa Giê-su vì Ma-ri không giúp bà làm việc, bà đã đánh mất tấm lòng tôi tớ của mình. Những tôi tớ thật không phàn nàn về sự bất công, không cảm thấy tự ti, và cũng không giận dỗi những người không phục vụ. Họ cứ tin cậy Chúa và tiếp tục công việc.
Công việc của chúng ta không phải là đánh giá những đầy tớ khác của Chủ. Kinh Thánh chép, “Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; -song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng” (Rô-ma 14:4). Công việc của chúng ta cũng không phải là tự bảo vệ mình trước sự chỉ trích. Hãy để Chủ giải quyết nó. Hãy làm theo gương Môi-se, người tỏ lòng khiêm nhường khi gặp chống đối; Nê-hê-mi cũng vậy, và phản ứng của ông trước sự chỉ trích rất đơn giản, “Ta mắc làm công việc lớn, xuống không đặng” (Nê-hê-mi 6:3).
Nếu bạn phục vụ giống như Chúa Giê-su, có thể bạn sẽ bị chỉ trích. Thế gian, và ngay cả phần đông trong Hội Thánh, không hiểu những gì Đức Chúa Trời coi trọng. Một trong những hành động yêu thương đẹp đẽ nhất được bày tỏ ra cho Chúa Giê-su lại bị các môn đồ phê phán. Ma-ri lấy thứ quý giá nhất của mình, thứ nước hoa đắt tiền, và xức cho Chúa Giê-su. Sự phục vụ hết lòng của bà bị các môn đồ cho là “lãng phí,” nhưng Chúa Giê-su lại gọi đó là “việc tốt,”[iii] và điều đó mới thành vấn đề. Sự phục vụ Đấng Christ của bạn không hề lãng phí, bất luận người khác nói gì.
Những người đầy tớ đặt giá trị của họ nơi Đấng Christ. Vì họ nhớ rằng họ được yêu thương và chấp nhận bởi ân điển, nên họ không cần phải chứng minh giá trị của mình. Họ sẵn sàng chấp nhận những công việc không an toàn mà người khác xem là “hèn kém.” Một trong những tấm gương phục vụ tuyệt vời nhất là việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đồ. Công việc rửa chân cũng tương tự như làm một đứa bé đánh giày, một công việc không có chút địa vị nào. Nhưng Chúa Giê-su biết Ngài là ai, cho nên công việc đó không đe dọa sự nhận thức về chính bản thân Ngài. Kinh Thánh chép, “Đức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về với Đức Chúa Trời, nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình” (Giăng 13:3-4).
Nếu bạn muốn trở thành một đầy tớ, bạn phải đặt để giá trị của mình nơi Đấng Christ. Chỉ những người yên tâm mới có thể phục vụ. Những người không vững lòng luôn lo lắng về suy nghĩ của người khác. Họ sợ những yếu đuối và sự kiêu ngạo kín giấu của mình lộ ra. Bạn càng bất an bao nhiêu, thì càng muốn người khác phục vụ mình bấy nhiêu, và bạn càng muốn họ đề cao mình.
Henri Nouwen đã nói, “Để có thể phục vụ người khác, chúng ta phải chết cho họ; tức là chúng ta phải chấm dứt việc đo lường ý nghĩa và giá trị của mình bằng thước đo của người khác… nhờ đó chúng ta được thoát khỏi lòng thương hại.” Khi bạn đặt giá trị của mình trên mối tương giao với Đấng Christ, bạn được thoát khỏi những mong muốn của người khác, và điều đó cho phép bạn hết lòng phục vụ họ.
Những đầy tớ không cần phải dán lên tường nhà họ các giấy khen và phần thưởng trong công việc. Họ không thích được gọi bằng các chức danh, và họ không tự trói mình trong sợi dây kẻ cả, bề trên. Những người đầy tớ xem các biểu tượng về địa vị là không cần thiết, và họ không đo lường giá trị của mình bởi sự thành côngï. Phao-lô nói, “Vì ấy chẳng phải là kẻ tự phô mình đáng được ưng chịu, bèn là kẻ mà Chúa gởi gắm” (II Cô-rinh-tô 10:18).
Người từng có cơ hội cả đời để phô trương về các mối quan hệ và “thanh thế” của mình chính là Gia-cơ, người em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su. Ông được lớn lên với Chúa Giê-su. Nhưng, trong phần giới thiệu bức thư của mình, ông chỉ đơn giản gọi mình là “tôi tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ” (Gia-cơ 1:1). Càng đến gần Chúa Giê-su bao nhiêu, bạn càng ít đề cao chính mình bấy nhiêu.
Những đầy tớ nghĩ đến chức vụ như một cơ hội chứ không phải nghĩa vụ. Họ thích giúp đỡ người khác, đáp ứng các nhu cầu và làm công việc phục vụ. Họ “hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng” (Thi Thiên 100:2). Tại sao họ lại vui mừng mà hầu việc? Vì họ yêu Chúa, biết ơn về ân điển Ngài, họ biết phục vụ là cách tốt nhất để tận dụng cuộc sống, và họ biết Chúa đã hứa ban phần thưởng. Chúa Giê-su hứa rằng, “Nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26). Phao-lô nói, “Đức Chúa Trời không phải là không công bình mà bỏ quên công việc và lòng yêu thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh đồ và hiện nay đang còn hầu việc nữa” (Hê-bơ-rơ 6:10).
Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ 10 phần trăm tất cả các Cơ-đốc nhân trên thế giới này nghiêm túc thực hiện vai trò tôi tớ của họ. Hãy hình dung mọi điều tốt lành có thể được thực hiện. Bạn có sẵn sàng làm một trong số những người này không? Bất luận bạn bao nhiêu tuổi, Đức Chúa Trời vẫn sẽ dùng bạn nếu bạn bắt đầu hành động và suy nghĩ như một tôi tớ. Albert Schweitzer đã nói, “Những người duy nhất thực sự hạnh phúc là những người biết cách phục vụ.”
SUY NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH CỦA TÔI
Vấn Đề Suy Nghĩ: Để làm một tôi tớ, tôi phải suy nghĩ như một tôi tớ.
Câu Gốc: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có.” Phi-líp 2:5
Câu Hỏi Suy Gẫm: Tôi quan tâm đến việc nào nhiều hơn-được phục vụ hay tìm cách để phục vụ người khác?