Ngày 4 – Được Tạo Dựng Cho Cõi Đời Đời
Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó.
Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người;
dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng,
người không thế hiểu được.
(Truyền Đạo 3:11)
Chắc chắn Đức Chúa Trời không tạo nên một động vật giống như con người
để rồi chỉ sống có một ngày!
Không, không, con người được tạo dựng để sống đời đời.
(Abraham Lincoln)
Cuộc đời này không phải là tất cả.
Cuộc đời trên trần thế chẳng qua chỉ là một cuộc thử áo trước khi sản phẩm thật ra đời. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn bây giờ sau khi bước qua phía bên kia của sự chết-cõi đời đời. Địa cầu chỉ là hậu trường, là nhà trẻ, là sự nếm thử cuộc đời bạn trong cõi đời đời. Nó là sự tập luyện trước khi trò chơi thật bắt đầu; là sự khởi động trước khi bắt đầu cuộc đua. Đời sống này là sự chuẩn bị cho đời sau.
Nhiều nhất thì bạn sẽ sống được khoảng một trăm năm trên trần gian, nhưng trong cõi đời đời thì bạn sẽ sống mãi mãi. Thời gian của bạn trên đất này, như ngài Thomas Browne nói, “chỉ là một cái ngoặc đơn nhỏ bé trong cõi đời đời.” Bạn đã được tạo dựng để tồn tại đời đời.
Kinh Thánh chép rằng “Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người” (Truyền Đạo 3:11). Bản năng bẩm sinh của bạn luôn hướng đến sự bất diệt. Đó là do Đức Chúa Trời đã tạo dựng bạn, theo hình ảnh Ngài, để sống trong cõi đời đời. Dẫu rằng chúng ta biết là mọi người cuối cùng sẽ phải chết một lần, thì sự chết luôn có vẻ không tự nhiên và không công bằng. Lý do chúng ta cảm thấy rằng mình phải sống đời đời là vì Đức Chúa Trời đã đặt để khao khát đó trong chính tâm hồn của chúng ta!
Một ngày nào đó tim bạn sẽ ngừng đập. Đó sẽ là dấu chấm hết cho thể xác cũng như thời gian của bạn trên trần gian, nhưng đó chưa phải là dấu chấm hết cho bạn. Thân thể trần tục chỉ là sự hiện diện tạm thời của tâm linh bạn. Kinh Thánh gọi thân thể trần tục của bạn là “nhà tạm,” nhưng khi đề cập đến thân thể tương lai của bạn trên thiên đàng, Kinh Thánh gọi đó là “nhà đời đời.” Kinh Thánh chép, “Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra” (II Cô-rinh-tô 5:1).
Cuộc đời trên đất này đem đến nhiều lựa chọn, nhưng cõi đời đời chỉ có hai lựa chọn: thiên đàng hay địa ngục. Mối tương giao giữa bạn với Đức Chúa Trời trên trần gian sẽ quyết định mối tương giao giữa bạn với Ngài trong cõi đời đời. Nếu bạn học biết yêu thương và trông cậy Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su, thì bạn sẽ được mời đến sống với Ngài trọn cõi đời đời. Trái lại, nếu bạn từ khước tình yêu thương, sự tha thứ và sự cứu rỗi của Ngài, bạn sẽ phải mãi mãi xa cách Đức Chúa Trời trong cõi đời đời.
S. Lewis đã nói, “Có hai loại người: những người nói với Đức Chúa Trời rằng ‘Ý Cha được nên’ và những người mà Chúa nói với họ rằng, ‘Thôi được rồi, cứ làm theo ý ngươi.’” Thật đáng buồn là nhiều người sẽ phải sống trong cõi đời đời mà không có Đức Chúa Trời vì họ đã chọn sống xa cách Ngài trên trần gian này.
Khi bạn hiểu rõ cuộc sống không chỉ có ở đây và bây giờ, và bạn nhận ra rằng cuộc sống này chỉ là sự chuẩn bị cho cõi đời đời, bạn sẽ bắt đầu sống khác đi. Bạn sẽ bắt đầu sống trong ánh sáng của cõi đời đời, và điều đó sẽ thay đổi cách bạn quan hệ, thực hiện nhiệm vụ và đối diện với hoàn cảnh. Thình lình nhiều hoạt động, mục tiêu, và thậm chí những nan đề trước đó có vẻ hết sức quan trọng lại trở nên tầm thường, nhỏ nhặt, và không đáng để bạn chú ý đến. Bạn càng sống gần Chúa bao nhiêu, thì mọi sự khác càng trở nên nhỏ bé bấy nhiêu.
Khi bạn sống trong ánh sáng của cõi đời đời, những giá trị của bạn thay đổi. Bạn dùng thời gian và tiền bạc cách khôn ngoan hơn. Bạn sẽ chú ý nhiều hơn đến các mối quan hệ và nhân cách thay vì sự nổi tiếng hay giàu có hoặc những thành công hay thậm chí các cuộc vui. Những ưu tiên của bạn sẽ được sắp đặt lại. Theo đuổi các trào lưu, thời gian, và những giá trị phổ biến không còn là điều quan trọng nữa. Phao-lô nói, “Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy” (Phi-líp 3:7).
Nếu thời gian trên trần thế của bạn là tất cả những gì bạn có cho cuộc đời mình, tôi đề nghị bạn hãy bắt đầu tận dụng nó ngay tức thì. Bạn có thể quên đi chuyện làm lành và sống đạo đức, bạn cũng không cần phải lo về những hậu quả hành động của mình. Bạn có thể nuông chiều bản thân với cái tôi làm trung tâm vì những hành động của bạn không để lại hậu quả lâu dài. Nhưng-và điều này khiến cho mọi sự khác hẳn-sự chết không phải là điểm dừng cuối cùng của bạn! Sự chết không phải là kết thúc của bạn, mà đó là sự chuyển tiếp sang cõi đời đời, cho nên sẽ có những hậu quả đời đời ứng với mọi việc bạn đã làm trên trái đất này. Mỗi hành động trong cuộc đời chúng ta sẽ đánh vào một sợ dây đàn nào đó mà nó sẽ rung lên trong cõi đời đời.
Điều nguy hại nhất của lối sống đương đại chính là cách suy nghĩ ngắn hạn. Để tận dụng hết mức cuộc đời mình, bạn phải giữ một khải tượng về cõi đời đời luôn in trong trí bạn và giá trị của nó trong lòng bạn. Cuộc sống ở đây và bây giờ không phải là tất cả! Ngày hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng. Cõi đời đời là toàn bộ phần còn lại bạn không nhìn thấy được bên dưới bề mặt.
Sống trong cõi đời đời với Đức Chúa Trời sẽ như thế nào? Thẳng thắn mà nói, khả năng của bộ não chúng ta không thể đủ để nắm bắt hết sự kỳ diệu và vĩ đại của thiên đàng. Điều đó cũng giống như là cố gắng mô tả Internet cho một con kiến. Hoàn toàn vô ích. Ngôn ngữ con người không thể nào truyền đạt về kinh nghiệm của cõi đời đời. Kinh Thánh chép, “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (I Côrinh-tô 2:9).
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã mô tả cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về cõi đời đời trong Lời Ngài. Chúng ta biết rằng ngay bây giờ đây Đức Chúa Trời đang chuẩn bị một căn nhà đời đời cho chúng ta. Trên thiên đàng chúng ta sẽ được đoàn tụ với những người chúng ta yêu mến, là những người tín hữu khác đã được giải phóng khỏi mọi nỗi đau và sầu khổ, được thưởng vì sự trung tín của chúng ta trên đất, và được chỉ định làm những việc mà chúng ta sẽ vui lòng làm. Chúng ta sẽ không nằm loanh quanh trên các đám mây với ánh hào quang và chơi đàn hạc! Chúng ta sẽ tận hưởng mối tương giao không bao giờ đổ vỡ với Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ vui hưởng cõi đời đời bất tận với chúng ta. Một ngày nào đó Chúa Giê-su sẽ phán, “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất” (Ma-thi-ơ 25:34).
S. Lewis đã nêu lên một quan niệm về cõi đời đời trong trang cuối của cuốn The Chronicles of Narnia, loạt tiểu thuyết thiếu nhi bảy cuốn của ông, như sau: “Đối với chúng ta, đây là điểm kết thúc của mọi câu chuyện… Nhưng đối với họ đó mới chỉ là sự bắt đầu của câu chuyện thật. Cả cuộc đời của họ trên thế gian này… chỉ là trang bìa: bây giờ, cuối cùng thì họ cũng đã bắt đầu Chương Một của Câu Chuyện Lớn, câu chuyện mà chưa ai trên trần gian này từng đọc, câu chuyện kéo dài mãi mãi, và mỗi chương sau lại tốt đẹp hơn chương trước.”
Đức Chúa Trời có một mục đích cho cuộc đời bạn trên trần gian, nhưng mọi sự không chấm dứt tại đó. Kế hoạch của Ngài còn lâu dài hơn cả vài thập kỷ ít ỏi mà bạn sẽ sống trên hành tinh này. Đó không chỉ là “cơ hội của cả một đời”; Đức Chúa Trời đã ban cho bạn một cơ hội vượt qua cuộc đời của bạn nữa. Kinh Thánh chép, “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia” (Thi Thiên 33:11).
Thời điểm duy nhất mà hầu hết mọi người nghĩ về cõi đời đời chính là trong các đám tang, và thường thì đó là những suy nghĩ nông cạn, đa cảm, do thiếu hiểu biết. Có thể bạn cảm thấy không lành mạnh khi suy nghĩ về sự chết, nhưng sự thật là sống mà phủ nhận sự chết cũng như không chấp nhận điều sẽ phải xảy ra mới chính là điều không lành mạnh (Truyền Đạo 7:2). Chỉ có một kẻ dại dột mới sống cả một đời mà không chịu chuẩn bị cho điều mà tất cả chúng ta đều biết rằng cuối cùng sẽ xảy đến. Bạn phải suy nghĩ nhiều hơn về cõi đời đời, chứ không nên thờ ơ đối với nó.
Cũng giống như chín tháng bạn ở trong bụng mẹ mình, đó không phải là một sự chấm dứt, mà là sự chuẩn bị cho cuộc sống, cho nên, cuộc đời này là sự chuẩn bị cho đời sau. Nếu bạn có một mối tương giao với Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su, bạn không cần phải sợ sự chết. Nó là cánh cửa dẫn vào cõi đời đời. Nó là giờ khắc cuối cùng bạn còn trên mặt đất, nhưng nó không phải là thời điểm cuối cùng của bạn. Thay vì là điểm kết thúc cuộc sống, nó sẽ là sinh nhật của bạn vào cõi đời đời. Kinh Thánh chép, “Vì dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến” (Hê-bơ-rơ 13:14).
Khi so với cõi đời đời, thời gian của chúng ta trên trái đất chỉ là một cái nháy mắt, nhưng những hậu quả của nó thì còn lại đời đời. Những việc làm của đời này là số phận của đời sau. Chúng ta cần phải “nhận biết rằng từng giây phút chúng ta còn trong thân thể hay chết này là lúc chúng ta còn ở xa nhà đời đời của chúng ta trên thiên đàng với Chúa Giê-su” (II Cô-rinh-tô 5:6 bản LB-ND). Nhiều năm trước đây có một câu khẩu hiệu khá phổ biến khích lệ người ta sống mỗi ngày như là “ngày đầu tiên của cuộc đời bạn.” Thật ra, sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời thì mới là khôn ngoan hơn. Matthew Henry đã nói, “Công việc mỗi ngày của chúng ta là chuẩn bị cho ngày cuối cùng của chúng ta.”
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi
Vấn Đề Suy Nghĩ: Cuộc đời không chỉ có ở đây và bây giờ.
Câu Gốc: “Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” I Giăng 2:17
Câu Hỏi Suy Gẫm: Vì mọi việc đều để lại những hậu quả đời đời, nên trong ngày hôm nay, điều gì tôi nên bắt đầu làm và điều gì tôi nên dừng lại?